Âm Vang – Chương 19
Chương 19: Viện điều dưỡng
1.
Gián đoạn cuộc gọi không hề chấm dứt sự thay đổi, mà trái lại Trình Hi còn không thể tìm thấy cánh bướm đang vỗ, sống trong thế giới hoang mang không ngừng được làm mới.
Tại sao chuyện nhà Lý Tư Tề phá bỏ chuyển đi lại bị thay đổi? Vì thế mà đã xóa đi cuộc ăn tối ba người sau đó, bản thân không đi thăm Quý Hồng, con thỏ biến về lại là búp bê.
Rồi vì sao lại xuất hiện thêm quán bar Tường Vi ở sau hẻm? Bản thân bỗng có thêm ký ức về bà chủ và Vương Dật Phàm, cũng thấy được ảnh chụp và giấy nợ của Tưởng Kim Minh.
Cái này mất đi thì cái kia được sinh ra, mọi thứ vẫn được bảo toàn?
Trình Hi ném bút đi, ngồi xếp bằng trên ghế nhắm mắt nghỉ ngơi. Kể từ khi diễn ra thay đổi cho tới nay, cô cần phải thư giãn thường xuyên, cảm thấy trí nhớ đã quá tải, không chứa nổi nhiều chuyện như vậy, cho dù cuối cùng từ từ bị xóa đi.
Tới khi bản thân cũng giống như Lý Tư Tề và Bạch Tịnh, không biết đến sự thay đổi, như NPC trong chò trơi, lặp đi lặp lại trải nghiệm đầu tiên.
Suy nghĩ ấy vụt qua khiến da đầu cô run lên, không khỏi mở mắt, càng nghĩ càng cảm thấy không ổn.
Do dự một lúc, cô lại viết ra.
Ghi lại những sự kiện đã xảy ra, những ký ức đã được ghi đè từ trước đến nay, từng câu từng chữ không thay đổi.
Mãi đến tận đêm khuya, Trình Hi mới viết xong những chuyện trong hơn một tháng qua, cô khóa sổ lại trong ngăn kéo, mệt mỏi leo lên giường, nhưng tài nào chợp mắt nổi…
Nhìn chằm chằm trần nhà một lúc, cô quyết định sử dụng kỳ nghỉ này để thực hiện một dự án lớn.
2.
Trình Hi đến trung tâm điện máy mua một chiếc máy quay loại nhỏ, một máy chụp ảnh Polaroid và một cây bút ghi âm.
Cô định ghi lại trải nghiệm của mình bằng bút ghi âm, quay lại mọi ngóc ngách trong nhà bằng máy quay và chụp những thứ quan trọng đó bằng Polaroid – lắc nhẹ tấm ảnh, nhìn đường viền con búp bê từ từ hiện ra, cô cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần.
Chữ viết, âm thanh, hình ảnh… Dù không mấy đáng tin nhưng cũng phải cố hết sức để lưu giữ dấu vết của cuộc sống.
Trình Hi dành thêm vài ngày đi lang thang ở những nơi từng học tập sinh hoạt, xác nhận ký ức không còn sai lệch.
Chiều hôm đó cô cầm theo máy ảnh đến nhà trẻ. Khi chụp xong sắp sửa rời đi, cô tình cờ nghe được cuộc trò chuyện.
“Cô tự về được không ạ? Con cô đến đón hả?”
“Đúng thế, nó đến đón, về đi về đi.”
“Không được, để em đưa cô tới đầu đường.”
Trình Hi cảm thấy quen tai, quay đầu lại, quả đúng là Quý Hồng, bà lắc đầu nói: “Đừng đưa làm gì, trong trường vẫn còn cháu, cô tự về được.”
“Cô đi thong thả ạ.”
“Ừ.”
Bà cụ khoát tay, khom lưng tiến về phía mình.
Bỗng Trình Hi không biết phải làm gì, nếu cuộc gặp mặt lần đó không xảy ra, liệu bà còn nhận ra mình nữa không?
Cô ngẩn ngơ tại chỗ, đối phương càng lúc càng lại gần, khi định vươn tay đỡ bà thì hai người nhìn nhau vài giây, sau đó Quý Hồng đi lướt qua cô.
Bước chân chậm rãi tiếp tục đi về phía trước.
Tay Trình Hi khựng giữa không trung, nhìn theo bóng lưng bà một lúc lâu, cảm giác có gì đó không đúng.
Rõ ràng xã khu Phục Viên nằm ở hướng ngược lại.
Nghĩ vài giây rồi cô quyết định đi theo, chậm rãi đi theo bà, duy trì khoảng cách mấy mét.
Sau trưa gió nhẹ hây hây, bên đường là những hàng quán quen thuộc, thỉnh thoảng lại có người bắt chuyện với Quý Hồng. Trình Hi không nghe rõ bọn họ đang nói gì, nhưng trông có vẻ thân thiết, có vẻ là hàng xóm ít gặp.
Một già một trẻ, một trước một sau, đi chừng hơn 10 phút đồng hồ. Cho tới khi rẽ ra khỏi con hẻm thì tầm nhìn thông thoáng hơn, số 76 đường Đàn Viên xuất hiện ngay trước mắt.
Quý Hồng dừng bước nhìn tòa nhà phía xa, sau đó đi bộ sang phía bên kia đường.
Cách làn đường, Trình Hi trông thấy bà đi tới một chiếc xe màu đen, một người đàn ông ở ghế sau bước xuống, cẩn thận dìu bà lên xe.
Dòng xe cộ che khuất tầm nhìn, Trình Hi lắc người để nhìn rõ, nhưng cố thế nào cũng không thể nhìn kỹ.
Âu phục, tóc ngắn, cao.
Cô sốt ruột nâng chiếc Polaroid trong tay lên, lại nhận thấy điện thoại di động tiện hơn, thế là lật đật bật camera lên chụp, nhưng trong lúc đó thì chiếc xe đã phóng đi, để lại Trình Hi ngẩn ngơ.
Ảnh điện thoại chụp bị nhòe hết, cô nản lòng dậm chân, nhưng khi cúi đầu xuống thì lại thấy chiếc Polaroid đang đeo trên cổ nhả ra một tấm hình.
Trình Hi rút ra lắc lắc, là một bóng dáng mơ hồ ngay khi cánh cửa đóng lại.
Trông khá quen mắt, hình như đã gặp đâu đó rồi.
3.
Cuộc đối thoại trước cổng trường nhà trẻ lúc nãy có nói là con trai đến đón Quý Hồng về nhà.
Con trai… tức Sử Sùng?
Nhưng còn nhà?
Xã khu Phục Viên nằm ngay sau vườn trẻ, chớ nói là hướng không đổi, mà khoảng cách vài bước chân cũng đáng để lái xe ư?
Trình Hi giật mình, lật đật vòng về lại. Cô thở hổn hển nhưng bước chân không ngừng, tìm đến tòa nhà 3, lên tầng 5, đứng trước cánh cửa quen thuộc.
Vẫn là thùng sữa đó, không có bất cứ thay đổi nào.
Cô cẩn thận quan sát, nhẹ nhàng giơ tay sờ lớp bụi trên cửa, bất thình lình phía sau vang lên tiếng mở cửa.
“Cô tìm ai đấy?”
Một bà dì chừng 50 tuổi, mặc đồ ngủ ló đầu ra từ cánh cửa đối diện.
“Hiệu… hiệu trưởng Quý có ở đây không ạ?”
“Bà ấy chuyển đi từ lâu rồi.”
“Chuyển đi rồi?” Mới cách đây không lâu cô còn ghé tới, dù ký ức đó đã bị xóa đi, nhưng nhẽ ra sự thay đổi chỉ là hành động của mình thôi chứ?
“Cô tìm bà ấy có chuyện gì không?”
“… Tôi là học trò của cô ấy.” Trình Hi lau mồ hôi trên trán, sửa sang áo xống, lễ phép hỏi, “Dì nói cô ấy đã chuyển đi từ lâu… Lâu là bao nhiêu?”
“À, đã mười hai năm rồi.”
“Thế giờ có ai ở tại đây không?”
“Không, bà ấy không bán cũng không thuê, để lại làm kỷ niệm.”
“Ý dì là căn hộ này đã để trống mười mấy năm nay? Tôi…” Cô chà xát tay, cười nói, “Tôi mới sờ thử, cửa vẫn rất sạch, không có vẻ là phòng trống.”
“Đúng thế…”
Phát hiện này của Trình Hi đã gợi lên hứng thú cho dì ta, dì ta mở rộng cửa nói chuyện.
“Thỉnh thoảng con trai bà ấy sẽ về dọn dẹp, thời gian trước cũng có đến đây, bà ấy cũng về ở mấy ngày, ồn ào lắm… không biết có phải định quay về không.”
“Dì có biết con trai của cô ấy không?”
“Sử Sùng đó, đã 40 rồi mà vẫn chưa kết hôn, lần trước chính cậu ta đến dọn dẹp.”
Trình Hi cắn môi, lại nói: “Hình như hiệu trưởng Quý còn một anh con trai tên Tưởng Kim Minh đúng không? Không biết có phải tôi nghe nhầm không nữa.”
“Thằng bé đó…” Dì ta thở dài một hơi rất khoa trương.
Rõ ràng bằng tuổi Sử Sùng, nhưng vì cuộc đời dừng lại ở tuổi 23 nên đối với dì ta vẫn chỉ là một thằng bé.
“Thằng bé đó cũng mất 20 năm rồi còn gì, hầy, về sau cả nhà chuyển đi hết, không biết đã nghĩ thoáng chưa nữa? Suốt đời đợi một người không thể quay về? Khổ thật sự.”
Rồi dì ta bổ sung: “Sử Sùng là bạn nối khố của nó, cũng như con ruột, giỏi lắm.”
Trình Hi bước ra khỏi hành lang, tâm trí vẫn dừng lại cuộc đối thoại vừa rồi. Giấy báo tử, chuyển nhà, có lẽ là để thoát khỏi bóng ma mất con trai, giờ mới thấy suy đoán lúc trước của bản thân tàn nhẫn biết mấy.
Cô đứng dưới lầu ngẩng lên, lùi về sau vài bước nhìn cửa sổ tầng 5. Trên ban công có hai chậu cây, loáng thoáng nhìn thấy góc phòng bếp, cũng không khác với cái lần mình ghé thăm.
Điều này khiến Trình Hi hoang mang, một nghi ngờ bỗng lóe lên.
Nếu ban đầu hiệu trưởng Quý vẫn ở đây, rồi tình cờ bị thay đổi, biến thành cả nhà chuyển đi như bây giờ… Vậy vì sao nhà cửa không hề thay đổi? Thời gian 20 năm, chắc chắn vẫn phải dẫn đến sự thay đổi nhất định nào đó chứ.
Chứ không phải là chậu cây bên cửa sổ, thậm chí cả thùng sữa trước cửa vẫn y xì như vậy?!
Nên điều thay đổi chỉ là ngày mình đến thăm…
Theo như lời của hàng xóm thì người nhà này đã chuyển đi từ lâu, sau đó lại quay về dọn dẹp nhà cửa, có thực vật có hoa quả, có di ảnh có ảnh chụp, giả dạng nơi này thành ngôi nhà đã sinh sống vài chục năm nay…
Lẽ nào chỉ vì để chờ cô tới?
4.
Trình Hi cảm thấy mình như người chết đuối, vừa vùng vẫy ló đầu lên khỏi mặt nước, chỉ mới hít hà vài hơi đã lại bị nhấn xuống.
Cô vội vã về nhà, trên đường đi luôn bất an nhìn đông ngó tây. Vừa mới rút chìa khóa ra mở cửa thì nghe thấy tiếng bước chân từ trên lầu đi xuống, tim đập nhanh dữ dội, tay run rẩy cắm chìa khóa vào lỗ, vừa vào nhà đã nhanh chóng đóng cửa lại.
So với cảm giác bất lực mơ hồ trong quá khứ và tương lai, “hiện tại” khiến con người thật sự sợ hãi.
“Làm gì mà hốt ha hốt hoảng thế?”
Mẹ Trình đi tới, ló người nhìn ra cửa, “Có ai đến à?”
“Không ạ.”
Vừa dứt lời, từ phía sau vọng đến tiếng gõ cửa rất mạnh.
Trình Hi giật mình, sóng âm đập vào lưng cô như một luồng sức mạnh, khiến cô loạng choạng đổ người về phía trước.
Mẹ Trình lo lắng nhưng không nói, đi qua cô mở cửa ra, là nhân viên chuyển phát.
“Trình Hi phải không? Có hàng.” Nhân viên chuyển phát thở hổn hển, đưa đến một phong bì.
“Cám ơn.”
Mẹ Trình đóng cửa lại, ngoái đầu nhìn biểu hiện kỳ quặc của con gái, muốn nói gì đó lại thôi: “Có phải dạo này áp lực lớn quá không? Có chuyện gì cứ nói với mẹ. Có phải công tác lại không ổn không? Xin nghỉ cũng được, bố mẹ nuôi con.”
Động tác cởi giày của cô dừng lại, đáp: “Không có… Công ty cho con nghỉ phép rồi.”
“Bố con nói bây giờ nhiều người trẻ tự làm truyền thông cũng hay, không nhất thiết phải có chỗ làm cố định, suy nghĩ đó xưa rồi.”
Trình Hi cũng biết là bà hiểu lầm, nhưng lại không thể giải thích, chỉ ậm ờ đáp: “Con không sao thật mà, đi làm có áp lực thật nên mới đi chụp ảnh giải tỏa.”
“Con là con gái của mẹ, con thế nào sao mẹ…”
Đúng lúc này tiếng điện thoại vang lên.
Hai mẹ con ngạc nhiên, Trình Hi mới sực phản ứng là tiếng chuông trong túi xách. Cô lấy ra nhìn, là chị Từ bên Nhân sự.
“Mẹ xem, Nhân sự công ty gọi này, chắc là thông báo cho con đi làm.”
5.
Chị Từ gọi điện nói rõ về tiền lương trong tháng. Trước đó Trình Hi đã nhận được tin nhắn từ ngân hàng, số tiền vào ít đến đáng thương.
Lại còn mua thêm những món đồ này nữa, thật sự sắp rỗng túi rồi.
Vẫn chưa có rõ bao giờ đi làm lại, chị Từ khuyên cô nên nghỉ ngơi cho tốt, có lẽ sẽ sớm thôi.
Trình Hi cười dạ nhưng trong lòng lại lo lắng, biến thành cười khổ. Vấn đề của người hiện đại: Cuộc sống rối loạn cấp bách hơn, hay chưa kịp rối loạn đã chết vì nghèo cấp bách hơn?
Thậm chí cô còn có suy nghĩ, ngộ nhỡ bản thân gặp phải sự cố, không có bạn trai, không kết hôn, chỉ để lại cho bố mẹ tờ chi phiếu 500 tệ, chẳng phải cay đắng quá ư?
Hiệu trưởng Quý còn có Sử Sùng chăm sóc, nhưng bố mẹ cô có thể nhờ cậy ai đây? Bạch Tịnh?
Trình Hi thở dài.
Cúp máy, cô lại xem tấm ảnh hôm nay chụp được, chiếc bóng mơ hồ trong xe là Sử Sùng sao?
Lần sau gặp Hứa An Hoài có lẽ hỏi thử.
Cô cầm lấy chiếc túi, cất tấm ảnh chụp đi, vô tình nhìn qua phong bì chuyển phát vẫn chưa mở.
Nó mỏng cực kỳ, cứ như trống rỗng.
Lẽ nào Nhân sự còn gửi thông tin chi tiết về bảng lương cho mình? Trình Hi mở phong bì ra, nhìn vào trong, là một tấm ảnh.
Tấm ảnh chụp Tưởng Kim Minh và Sử Sùng tại quán bar.
Cô không kiểm soát nổi nhịp tim đang đập mạnh, lật qua lật lại nhìn, không có tin tức gì, lại lật đật kiểm tra thông tin phiếu gửi trên phong bì.
Cột người gửi đề: viện điều dưỡng Đàn Sơn.
Ôi. Như kiểu có người đang âm thầm thúc đẩy mọi chuyện ấy
Có nguoi dung sau lung moi chuyện sao. Ky bí that 🤔
“Dì có biết con trai của cô ấy khôn?”———> không
một máy chụp ảnnh Polaroid và một cây bút ghi âm.———-> ảnh
Cảm giác có người điều khiển cả đời mình sợ qué 🙁
Huhu sao chị không thử đi gặp Sử Sùng, cứ cảm giác ảnh biết gì đó