Tiếng Vọng

Âm Vang – Chương 06

Chương 6: Hỏa hoạn

1.

Cô quan sát vị khách trước mặt.

Một chàng trai chỉ mới hai mươi, mặc tây trang có vẻ nhỏ hơn một cỡ, dựa vào quầy lễ tân sốt ruột rung chân, mắt nhìn láo liên.

Ngoài tuổi tác, không có bất cứ điểm nào khớp với tưởng tượng của mình – ba lần trò chuyện, chí ít đối phương rất lễ phép, dù sốt ruột vẫn cố gắng giữ kiên nhẫn, khá chú ý tới công tác bảo vệ cổ vật, không thể nào… lưu manh như vậy được.

Càng đừng nói tới chuyện vừa mới gọi điện xong mà người đã xuất hiện ở đây, thần tốc đến thế ư? Trình Hi rất tin vào trực giác của mình, đứng sau lưng anh ta ho khẽ:

“Chào anh, anh có chuyện gì không?”

Anh ta ngoái đầu, đứng thẳng người dậy: “Có phải ở chỗ cô nhặt được một chiếc điện thoại Motorola không?”

“Bị mất điện thoại hả? Có đôi khi khách nhặt được sẽ đưa tới chỗ lễ tân, anh có thể miêu tả cụ thể không? Để tôi tiện xác nhận.”

“Là máy rất cũ.”

“À…” Cô khoanh tay trước ngực, cố ý vô tình ấn vào chiếc Motorola trong túi áo, “Kiểu dáng? Mẫu mã? Anh đến xem phim lúc nào? Phòng nào?”

“Vậy tức là không có?” Anh ta hỏi ngược thay cho câu trả lời, “Cô gái ở quầy lễ tân đi tìm người, tôi còn tưởng chỗ các cô đã nhặt được.”

Nghe câu đó, Trình Hi càng xác nhận nghi ngờ của mình: “Cô ấy mới đến làm nên không biết rõ, là chính anh làm mất?”

Gã thanh niên nhíu mày rất khẽ, đoạn lấy một tờ danh thiếp ở trong túi quần ra, nói: “Nếu như nhặt được thì làm phiền cô liên lạc với tôi theo số điện thoại này. Điện thoại không đáng mấy đồng, nhưng đồ cũ chứa nhiều kỷ niệm, xin cám ơn trước.”

“Được.”

Sau khi anh ta rời đi, Trình Hi nhìn tấm danh thiếp, họ Trần, là quản lý khách hàng của một công ty kiến trúc.

Ngô Du xáp đến: “Buôn lậu điện thoại hả? Không phải bảo chiếc điện thoại này không đáng tiền à?”

“… Buôn lậu điện thoại? Thế thì cũng nhạy tin ghê.”

Không thể có kiểu lấy lại điện thoại như vậy được, rõ ràng người này nhắm thẳng vào Motorola. Biết làm mất ở rạp chiếu phim nhưng lại không biết mất khi nào, có ai nhặt được không, chỉ có thể ôm cây đợi thỏ.

Đúng là khó hiểu.

Hiện tại có chuyện còn quan trọng hơn, cô tạm thời không muốn nghĩ tiếp, thuận tiện nhét danh thiếp vào túi: “Nếu về sau có khách đến lấy đồ thì hỏi kỹ càng vào, chị xuống lầu đây.”

2.

Đây là lần đầu tiên Trình Hi dừng chân tại khu triển lãm, đọc rất kỹ từng đoạn văn hay từng tấm hình.

Trận hỏa hoạn xảy ra vào một buổi tối cuối tháng 9 năm 2000, lửa bắt đầu từ tầng bốn, nhanh chóng lan rộng cả tòa nhà. Hình như đã xảy ra nổ, mép cửa sổ bốc cháy văng ra ngoài, đập trúng du thuyền đang neo ở bờ sông lúc đó.

Trình Hi vẫn còn nhớ, lúc ấy cô vừa vào tiểu học.

Đối với một gia đình công nhân viên chức, việc đón con tan tầm luôn là vấn đề khó khăn. Năm đó hễ tan làm, bố mẹ một người chạy về nhà nấu cơm, một người đi đón con, mà những khi cô tan học sớm là phải đứng chờ mòn mỏi trước cổng trường.

Vì nhàm chán nên cô thường quan sát số 76 đường Đàn Viên, rồi dùng ngón tay đồ theo hình dáng giữa không trung.

May rằng tình huống như vậy không kéo dài, sau khi đã quen môi trường, cô bắt đầu đi cùng các bạn trong lớp. Ký ức ấy còn khá ấn tượng nên cô có thể lập tức nhớ ra ngay, đúng là chuyện xảy ra vào sáu tháng cuối năm 2000.

Trình Hi chậm rãi dời bước, trông thấy ảnh chụp tại hiện trường vụ cháy, cả tòa nhà cháy sạch chỉ còn lại giàn giáo, tủ kính bên cạnh trưng bày các khối gỗ và gạch đã cháy, cũng như các vật dụng còn sót lại sau vụ cháy.

Ngoài những đồ vật không thể sửa chữa được thì có một vài thứ khá đặc biệt, chẳng hạn như đồ dùng văn phòng: một chiếc đồng hồ báo thức không nhận ra hình thù, một chiếc điện thoại cố định bị cháy xém…

Khoan đã, là nó ư?

Người nào đó ở 20 năm trước đã gọi điện với mình thông qua nó?

Cảm giác như có lần lỡ chạm vào dòng điện trong tiết Vật lý hồi cấp ba, khiến bản thân tê dại ngay trong nháy mắt. Trình Hi vô thức nắm chặt chiếc Motorola trong túi, một lúc sau mới đứng thẳng dậy, tiếp tục xem tiếp.

Lời cuối:

“Vụ hỏa hoạn này không chỉ gây thiệt hại lớn về văn hóa, kinh tế mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là một người chết, một người mất tích và nhiều người bị thương. Cần phải gióng hồi chuông cảnh báo đề phòng.”

3.

Trong thời đại Internet chưa trở nên phổ biến, phương tiện truyền thông lại là một kiểu khác. Mỗi khi một sự kiện lớn xảy ra, ngoài những bài báo đưa tin và phát biểu thống nhất, thì nhiều hơn cả là những chi tiết được lan truyền trên đường phố ngõ hẻm, truyền miệng truyền tai rồi từ từ biến mất.

Cho nên dù tìm kiếm trên điện thoại rất lâu nhưng Trình Hi vẫn không tìm được tin tức liên quan đến sự cố đó. Các bài báo cáo đều nói rõ người chết là người phụ trách số 76 đường Đàn Viên, còn một nhân viên công tác khác được xác nhận là mất tích vì chưa phát hiện ra di hài.

Ngoài ra còn có 12 người bị thương, bao gồm nhân viên công tác, người dân cứu hỏa và du khách ngắm cảnh.

Cô đặt điện thoại xuống, dựa vào tay vịn cầu thang thở dài.

Khi ấy mình còn nhỏ, dù tận mắt chứng kiến vụ cháy lớn nhưng chỉ cảm thấy ánh lửa đáng sợ, thiêu cháy cả một tòa nhà quen thuộc, chứ thực chất không có ý thức thực sự về hậu quả nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Không ngờ 20 năm sau, bản thân lại tình cờ đến nơi này làm việc. Cũng không ngờ một cuộc điện thoại lại sinh ra nhiều liên hệ kỳ lạ tới vậy.

Nếu đối phương nói thật, vậy anh ta đang ở tháng 3 năm 2000, không hề biết gì về vụ cháy vào nửa năm sau…

Anh ta có tên trong danh sách thương vong không?

Có phải cô có thể xoay chuyển toàn bộ không?

Trình Hi đứng trên cầu thang do dự, ngón tay gõ liên tục vào tay vịn. Cô suy nghĩ rất nghiêm túc về tình huống phi lý hiện tại, giống như đang phân tích giấc mơ một cách tường tận, vừa lo lắng, nhưng đồng thời cũng cảm thấy bản thân thật nực cười.

Tin nổi không? Nhặt được một chiếc điện thoại từ 20 năm trước và thực hiện cuộc gọi xuyên thời gian không gian?

Chuyện gì thế này?

4.

Lý Tư Tề đứng ở bậc thang phía dưới ngay sau lưng Trình Hi, nhìn cô do dự xoắn xuýt, cuối cùng không kìm được hỏi: “Chị đang làm gì thế?”

“Hở?”

“Định lên lầu à?”

“Ừ.”

“Hay xuống lầu?”

Trình Hi bị hỏi hai lần mới hoàn hồi, nói: “Tôi đi lên. Sao cậu lại đến đây? Hôm nay đâu có ca của cậu?”

“Ở nhà chán nên đến xem phim. Chị lên tầng bốn hả?”

“Ừ, xem phim nhớ mua vé chứ đừng coi cọp.” Cô buột miệng nói rồi ngẩng mặt đi lên.

“Đến phòng VIP à?”

Trình Hi dừng chân, ngoái đầu nhìn cậu ta, lông mày nhíu lại một cách mất tự nhiên.

Vì sao lại hỏi câu đó?

“Không phải tìm được điện thoại rồi à? Mắc gì cứ đến phòng VIP hoài vậy?”

Cô không biết phải đáp thế nào, không biết là mình biểu hiện rõ quá hay là cậu ta sắc sảo nữa đây? Cô bình thản nhìn vào mắt cậu ta: “Đi kiểm tra.”

Lý Tư Tề nhún vai, không truy hỏi thêm, sải bước nhảy lên mấy bậc thềm, miệng làu bàu: “Phim của tôi bắt đầu chiếu rồi, đi đây.”

Rồi bóng lưng nhanh chóng biến mất ở ngã rẽ tầng ba.

Trình Hi dừng một lúc rồi tiếp tục đi lên. Dù thế nào đi nữa cũng phải gọi tiếp cuộc điện thoại bị ngắt lúc nãy.

Mà trong quãng đường ngắn ngủi ấy, cô không hề hay biết Lý Tư Tề lại xuất hiện sau lưng cô.

Cậu ta nhìn cô đi vào phòng VIP, đóng cửa lại.

Lý Tư Tề cúi đầu trầm ngâm, quay người trở về cầu thang rồi chạy nhanh xuống lầu, mò mẫm trong bóng tối đi vào rạp chiếu phim, tìm đại một chỗ ngồi xuống.

Đã 10 phút trôi qua kể từ khi phim bắt đầu chiếu.

Không xem nổi nữa.

5.

“Cứ coi như anh đang ở năm 2000 đi, tôi muốn hỏi anh vài câu.”

“Cô nói đi.”

“Hôm nay trời mưa không?”

Tưởng Kim Minh ngẩn người, không ngờ lại là câu hỏi đơn giản như vậy.”

“Ừm, mà hình như tạnh rồi.”

Chỉ đôi ba câu đã hâm nóng bầu không khí, thần kinh căng thẳng của anh cũng được thả lỏng, nhìn đôi giày da thấm nước, cười khổ nói: “Nhưng giày hỏng rồi.”

“Không phải tôi đã nói với anh là có mưa lớn à?”

“Nên quần áo không ướt.”

Khóe môi Trình Hi nhướn lên, đổi tư thế cầm điện thoại, đi vào chủ đề chính: “Anh đang làm việc tại số 76 đường Đàn Viên?”

“Đúng thế, mới vào năm nay.”

“Mới tốt nghiệp hả? Mấy tuổi rồi?”

Tưởng Kim Minh không muốn trả lời. Anh không hiểu những chuyện này thì làm sao chứng minh được mình đang ở năm 2000. Do dự hai giây, anh đáp: “23.”

“Ừm…”

Quả nhiên là thanh niên tỏ vẻ già dặn, còn nhỏ hơn mình 4 tuổi.

Trình Hi rất hài lòng, nhưng liên tưởng đến hậu quả tai nạn thì cô lại rùng mình, nói lảng sang chuyện khác: “Anh đang ở văn phòng à?”

“Đồng nghiệp đã đi ăn, tôi đang đợi điện thoại của cô.”

“Chiếc điện thoại của anh ra khỏi phòng chiếu phim là mất tín hiệu, không phải tôi cố tình ngắt máy.”

“Phòng chiếu phim?” Tưởng Kim Minh vẫn chưa quen, nghĩ một hồi mới sực nhớ, “À, cô nói nơi này đã biến thành rạp phim.”

“Có lẽ chúng ta ở cùng một vị trí đấy, căn phòng cuối hành lang tầng bốn… Điện thoại của anh bị mất ở đâu?”

“Trong văn phòng, chắc là gần chỗ ngồi của tôi.”

Nói rồi anh đứng dậy, đưa tay đo đạc theo bản năng: “Văn phòng này hình vuông, cửa ra vào nằm phía gần lối vào hành lang.”

“Ừ…” Trình Hi cũng đứng dậy, đối chiếu với miêu tả của anh ta, “Hiện tại cửa ra vào đã thay đổi, cửa phòng chiếu nằm sát cuối hành lang.”

“Bước vào cửa là máy tính văn phòng.”

“Vị trí đó bây giờ là phòng máy.”

“Đi vào tiếp là bốn bàn làm việc, đối diện hai hai.”

“Ba dãy ghế sô pha, mỗi dãy bốn ghế.”

“Tôi ngồi cuối cùng bên phải, kê sát tường bên cạnh là tủ đựng hồ sơ, tôi để điện thoại ở đó.”

Trình Hi cũng đã đi đến trước màn chiếu. Cô hít một hơi, nói: “Tôi nhặt được ở ngay chỗ này.”

“Tủ đựng hồ sơ hả? Là…?”

“Màn chiếu. Điện thoại nằm dưới góc màn chiếu.”

Anh lặng thinh, sự thật và phi lý lại đan xen tạo ra cảm giác mâu thuẫn mạnh mẽ. Cả hai rơi vào im lặng, cuối cùng Trình Hi lên tiếng phá vỡ, cô cố cười nói: “Nếu anh có thể quay video trong điện thoại thì dễ chứng minh rồi.”

“… Là sao, video?”

“Ừm, chính là…” Thôi, không cần thiết phải phổ cập khoa học, “Là video.”

Trình Hi nhướn mày, nói tiếp: “Nên tôi đã nghĩ ra vài biện pháp giúp anh chứng minh cái gọi là 20 năm trước. Giống như trong phim hay chiếu ấy, anh khắc ký hiệu lên tường hoặc thay đổi thứ gì đó xung quanh, để xem ở chỗ tôi có thay đổi tương ứng không.”

Tưởng Kim Minh thực sự cạn lời: “Đây là kiến trúc bảo tồn.”

“Còn những thứ xung quanh anh thì sao.” Cô nhớ lại đồ vật trong tủ triển lãm, “Đồng hồ, máy bàn, bút máy…”

“Bút máy?”

Ở hiện trường vụ cháy có một cây bút máy, là thứ duy nhất không bị thiêu cháy, chỉ có dấu vết bén lửa, Trình Hi đã thấy ở khu triển lãm dưới lầu.

“Là bút máy màu xám bạc có hoa văn trên bề mặt, đường nét hình thoi.”

Tưởng Kim Minh cúi đầu nhìn chiếc bút Hero trên bàn, màu bạc sáng với hoa văn kim cương sẫm màu, nó gần như là vật bất ly thân của anh, được anh sử dụng rất cẩn thận.

“Sao cô biết ngòi bút này?”

“Tôi đã thấy nó ở khu triển lãm tầng một.”

“Khu triển lãm? Khoan, không phải cô nói ở đây đã biến thành rạp phim à?” Anh tưởng đã bắt được sơ hở, nói ngay, “Mâu thuẫn?”

“Đó là khu triển lãm bảo tồn. Số 76 đường Đàn Viên tiến hành mở rộng kinh doanh, rạp chiếu phim của bọn tôi chỉ là một trong những nhà thầu, dù chiếm trọn 3 tầng.”

“…” Tưởng Kim Minh bất lực nắm tóc, chấp nhận thua cuộc, “Cớ gì số 76 đường Đàn Viên lại biến thành rạp chiếu phim? Vì sao lại mở rộng kinh doanh, mở rạp phim mở nhà hàng lẩu, 20 năm sau không cần bảo tồn những kiến trúc này nữa ư?”

“Không phải không cần bảo tồn, mà là chưa kịp bảo tồn… Vì một vụ cháy. Một trận hỏa hoạn xảy ra vào tháng 9 năm 2000.”

Chương trước
Chương sau