Tinh hà rực rỡ

Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay – Chương 57

Thiếu Thương im lặng mãi tới tận lúc về Trình phủ, dựa vào vách xe ngẩn ngơ.

Trình Ương lo lắng, hỏi: “Lại có nữ công tử nào bắt nạt muội hả?” Hôm nay nàng làm quen được với vài tỷ muội ăn ý, ngồi trong góc vui vẻ chuyện trò mà không để ý đến người khác.

Thiếu Thương chế giễu: “Với hai lá gan của họ á?!”

Tiêu phu nhân cũng nhận thấy con gái có tâm trạng kém, hỏi: “Hay trưởng bối nào ở Lâu gia ghét con?” Lâu Đại phu nhân chắc đã được chồng thuyết phục, hôm nay nữ quyến nhà họ không nói năng hành xử kiêu ngạo nữa; song gia tộc lớn như vậy, dễ có một hai người cứng đầu.

Thiếu Thương ngông nghênh: “Ai dám? Con sẽ bắt A Nghiêu đời này không nhận họ hàng với người đó luôn!”

Hỏi không được gì, Tiêu phu nhân đành để con gái về viện, trong giờ cơm tối thấy nàng vẫn buồn bã, chỉ ăn vài đũa rồi cúi đầu về phòng. Đêm hôm đó, bỗng trong khoảng sân ở Trình phủ vang lên tiếng sáo trong trẻo, du dương trầm bổng như thút thít tâm sự. Ca khúc không đau lòng mà mang theo nỗi hoang mang và muộn phiền khi không biết đường về.

Tiêu phu nhân không ngủ nổi, mở mắt lắng nghe một lúc lâu, đoạn đứng dậy toan vén rèm đi ra, nhưng đã bị chồng níu lại.

Trình Thủy nhắm mắt: “Ta khuyên mình chớ đi.”

Tiêu phu nhân cau mày: “Hôm nay từ Lâu gia về ta đã cảm thấy không ổn, không được, ta phải đi hỏi rõ mới được.”

Trình Thủy không thèm mở mắt: “Mình hỏi thì Niệu Niệu sẽ nói hả?”

Tiêu phu nhân cứng người, lại nói: “Vậy thì ta sẽ hỏi thị tỳ của con bé.”

“Khỏi đi. Với đầu óc của Niệu Niệu, chỉ cần mình vừa hỏi là con bé biết ngay. Mình cảm thấy con nó sẽ vui khi nàng tra hỏi người hầu của nó?” Trình Thủy đổi tư thế ngủ, “Khó khăn lắm mẹ con nàng mới hòa thuận với nhau, đừng ồn ào nữa.”

“Mình không lo con có tâm sự hả?”

“Trừ đứa ngốc ra, trong lòng kẻ ngốc mới không có tâm sự. Tốt xấu gì Niệu Niệu cũng sắp thành thân, chẳng lẽ không thể thương đông tây buồn?”

“Là thương xuân thu buồn, không phải thương đông tây buồn.”

“Được rồi, thương gì cũng được, miễn không tổn thương cơ thể là được. Ôi, phụ thân đi sớm quá, Niệu Niệu mới học sáo bao lâu mà đã thổi hay như vậy, nghe mà lòng rưng rưng. Nếu phụ thân còn sống, dù chúng ta để Niệu Niệu ở lại đô thành cũng không cần lo quá. Có khi sẽ dạy nên bậc thầy nức tiếng thiên hạ đấy!”

Tiêu phu nhân im lặng, một lúc sau mới nói: “Lẽ nào mình vẫn ngủ nổi khi nghe con thổi như vậy?”

“Có gì mà ngủ không nổi. Hồi trước mỗi khi phụ thân khó chịu, nửa đêm toàn tấu khúc bi thương. Lúc thổi tiêu, khi đánh đàn, có lần còn đánh cả trống nữa. Mà huynh đệ ta vẫn ngủ ngon đấy thôi! Được rồi, mình cũng nằm xuống đi.”

Tiêu phu nhân ngồi lặng ở đầu giường, nghĩ bụng: quân cữu đã qua đời cũng thật không dễ dàng gì.

May rằng hồi trước Thiếu Thương là người sống trong ký túc xá quanh năm, văn minh phòng ngủ vẫn chưa bị chó gặm hết, nên thổi xong một khúc thì nàng tắt nến đi ngủ, ngày hôm sau thức giấc tinh thần khoan khoái, không còn nặng nề tâm sự nữa.

Lâu Nghiêu định ngày nào cũng đến, nhưng Lâu Thái bộc có tốt tính tới đâu cũng không chịu nổi nữa, lập tức túm thằng cháu ném vào thư phòng học tập, chỉ cho phép cậu năm sáu ngày đến Trình gia một lần – có ai chưa từng làm rể, nịnh nhà vợ cũng có chừng mực thôi chứ, cứ làm như tổ tiên chưa từng cưới vợ bao giờ, quẳng sạch mặt mũi của Lâu thị, số người xin tiến cử làm quan ở Bắc cung môn còn dè dặt hơn cả cháu trai nhà mình!

Sau đó Thiếu Thương thần kỳ phát hiện ra một điều, từ khi Lâu Nghiêu không còn ghé nhà mỗi ngày, các huynh trưởng đã vui vẻ ôn tồn trở lại, sắc mặt nhẹ nhàng đi trông thấy.

“Các huynh xem thường A Nghiêu phải không?” Thiếu Thương nghĩ mãi cũng không hiểu, bèn lén hỏi ca ca song sinh.

Trình Thiếu Cung nói: “Bọn huynh không hề xem thường Lâu công tử, mà là xem thường muội. Mỗi lần thấy hắn là lại cười y chang Nhị Vượng cắn được đùi gà ở nhà hàng xóm.” Nhị Vượng là tên con chó cỏ.

Kết quả là đương nhiên Thiếu Thương nổi giận, cầm hộp cờ vây đổ ập xuống đầu Thiếu Cung, hơn nữa còn không thèm để các huynh trưởng dẫn đi chơi.

Tiêu phu nhân vừa khen Thiếu Thương mấy câu trước mặt các con trai, Trình Thiếu Cung đã ôm cái trán sưng vù gièm pha: “Mẫu thân, Niệu Niệu sợ quán xuyến việc nhà sẽ khiến nó chậm trễ ra ngoài làm việc riêng. Mấy ngày nay nó liên tục ra ngoài mà không cho chúng con đi theo!” Trước kia toàn là anh em họ dẫn ấu muội ra ngoài!

Nào ngờ Tiêu phu nhân không hề giận, mà còn thong thả nói: “Niệu Niệu có thị tỳ và gia đinh đi theo, không lo gặp chuyện, mà cũng chẳng thể dẫn cậu lang tế nào về nhà được nữa.”

Trình Tụng mấp máy cánh môi, đưa mắt nhìn huynh trưởng Trình Vịnh, cả hai anh em cúi đầu im lặng – vì có lần bọn họ nhìn thấy Viên Thận đưa ấu muội về, đến tận đầu ngõ mới chia tay.

Sau chuyện đó, anh em bọn họ từng lén hỏi Thiếu Thương, nào ngờ Thiếu Thương rất thẳng thừng: “Chỉ gặp có hai lần chứ không có lần thứ ba, mà toàn nói về chuyện của thúc thẩm thôi.”

Viên Thận là Viên Thận, phong cách hành sự không hề thay đổi, chàng ta lại cho người để ý cửa Trình phủ, đợi khi thấy chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ vàng chói mắt của Thiếu Thương đi ra, lập tức để người hầu bám theo rồi quay lại báo cho mình biết – tài tử giai nhân gặp nhau vốn là cảnh đẹp ý vui, nếu như nơi gặp nhau của cả hai lần không phải là nơi bất thường đến vậy.

Lần đầu “gặp” nàng là trong tiệm sắt ở góc thành, đối diện với lò luyện sắt đang cháy, hai má của tài tử giai nhân nóng ran vì hơi lửa, sợi tóc quăn queo như cặp vợ chồng đốt củi dính đầy bồ hóng đen thui.

Lần thứ hai “gặp” nhau là tại phường xay bột ở cách đô thành không xa, đối mặt với vỏ trấu và mì sợi bay bay trong không khí, từ đầu xuống mặt đôi tài tử giai nhân dính đầy phấn trắng vôi vàng, chỉ cần thay quần áo là có thể tiếp nhận luôn phường xay bột.

“Sao cô không đến tiệm sách tiệm vàng gì đó đi? Cửa hàng hoa hay tiệm son phấn cũng được.” Trên đường về Trình phủ, Viên Thận cưỡi ngựa đi theo xe kéo, thật sự lấy làm bó tay.

“Là ta mời anh đi chắc?” Thiếu Thương rất không có thiện cảm với cái kẻ làm phiền theo dõi mình, “Có gì thì nói mau! Lần trước anh nói gì nhỉ, à, anh nói Hoàng Phủ phu tử đã vào núi ẩn cư, sao? Lại muốn tìm ta truyền tin hả, ta không làm!”

“Cô có chịu nghe rõ ta nói câu nào không hả!”

Thiếu Thương trợn mắt, nói: “Là vì anh đứng bên lò lửa chưa tới nửa khắc đã bỏ chạy.” Lần đó gặp mặt, cộng cả lời hàn huyên chào hỏi ngoài tiệm sắt thì hai người nói với nhau chưa đến mười câu, Viên đại công tử đã bị hun khói suýt ho sặc cả phổi chạy đi.

Viên Thận tức tối, chàng ta chưa bao giờ vào tiệm sắt được chưa, xém đã bị nướng chín, thở cũng không nổi.

“Không phải bảo cô truyền tin, phu tử chỉ cần biết Tang phu nhân sống tốt là đủ. Nếu có gì ông ấy có thể giúp mà Tang phu nhân và lệnh thúc khó xử thì cô cứ nói riêng với ta, Hoàng Phủ phu tử ắt sẽ giúp… Cô nhìn ta như thế làm gì… Cũng không có ý gì khác, chỉ là phu tử muốn lòng dễ chịu chút thôi.”

Thiếu Thương cười nói, “Chuyện này cũng bình thường, những gì thẩm thẩm đã làm vì Hoàng Phủ gia đâu chỉ chút việc vặt, phu tử có thể nghĩ thông là tốt rồi, ta đồng ý thay thẩm nhé.” Dĩ nhiên đâu thể bỏ qua lợi ích thiết thực như thế được.

“Còn nữa…” Viên Thận buồn bã, “Ta cũng sắp phải xem mặt đính hôn.”

Thiếu Thương cười to: “Chuyện chính đáng còn gì. Các cụ hay nói càng kén chọn thì phần dư càng tệ, chi bằng dùng dao sắc chém loạn đi. Đến khi ấy ta và A Nghiêu sẽ tới cửa chúc mừng anh!”

Viên Thận nổi cáu trong lòng, hai má như bạch ngọc đỏ ửng, chàng ta tức giận: “Dao sắc nhà nào bằng được như cô, người ta vừa đề cập kết hôn là cô lập tức đồng ý, nếu, nếu biết sớm…” Nói đoạn, chàng ta thúc hai chân vào bụng ngựa, kéo ngựa xoay đầu rời đi, để lại tiếng vó ngựa quanh quẩn ở đầu hẻm.

Thiếu Thương sờ mũi, vờ như không hiểu gì, vui vẻ về phủ.

Lại mấy ngày trôi qua, đương độ cảnh xuân đẹp nhất trong năm, có một nho sinh Quốc Tử Giám dâng lên Hoàng đế mấy cuộn sách thẻ tre đã cũ, trên ấy ghi lời sấm, ý tứ như là ‘phương Đông có quỷ, tương ứng giả, chí linh dã’.

Hoàng đế rất để tâm, lập tức triệu các đại thần tâm phúc đến tham khảo một hồi, cuối cùng đưa ra kết luận – chữ ‘quỷ’ là chóp núi, hẳn là núi Đồ Cao ở phía Đông đô thành, cần hiến tế sinh linh trong núi.

Nhẽ ra ngự giá nên đích thân kêu gọi săn bắn, song Hoàng đế nhân từ, bày tỏ mùa xuân là lúc vạn vật sinh sôi, không nên tàn sát bừa bãi, vì vậy đổi săn bắn hiến tế thành cúng tế, dâng ngũ cốc lương thực lên thần linh trong núi. Các nho sinh lại ngợi ca một hồi, tán dương Hoàng đế anh minh nhân từ ra sao, rằng lương thực ngũ cốc thiêng liêng hơn mồi săn.

Cứ như thế, Hoàng đế dẫn hậu phi cùng tông thất ít đến thảm thương, gọi thêm đông đảo quan viên cùng đến núi Đồ Cao hiến tế – cha Trình cũng được chọn trúng. Dù nói là hiến tế nhưng theo Thiếu Thương thấy lại giống dã ngoại du xuân quy mô lớn hơn, vì quan viên được chọn đi cùng được phép dẫn theo gia quyến.

Trình gia ít người, trừ Trình mẫu và Trình Tiểu Trúc không thể đi được thì lần này tổng cộng có hai vợ chồng, thêm ba huynh đệ và Trình Ương Thiếu Thương, sau khi tụ tập với đoàn xe của Vạn gia ở cổng thành, lên đường hơn nửa ngày trời, cuối cùng cũng đã đến núi Đồ Cao.

Bọn họ không đến muộn lắm, lúc này dưới chân núi đã có vết chân vó ngựa khắp nơi. Từ xa trông lại, lấy chiếc lều lớn đỏ thẫm, trên đỉnh ánh kim viền đen bắt mắt nhất kia làm tâm trục, ở xung quanh có đủ loại lều riêng, trải rộng ra xa tới mấy dặm.

Như nhà Ngu Hầu có tới mười mấy lều vải, tất cả đều là lều gấm màu xanh chàm khảm gia huy màu ngà nhạt, cao quý và trang nghiêm; hoặc như Ngô đại tướng quân không câu nệ chi tiết, những chiếc lều sặc sỡ đủ màu tụ tập một chỗ; rồi hoặc như Hàn tướng quân thích phô trương vẻ văn hóa của mình, mười mấy căn lều nhà y đều được làm bằng tre xanh và vải xanh, một màu xanh thẳm vô cùng mát mẻ.

Còn có người thích chơi đùa, ví dụ như Tuyên Hầu em trai của Hoàng hậu, trang trí căn lều vải y như nhà lá chất đầy rơm rạ, tới gần mới thấy thì ra là gấm vàng lụa bạc bó lại thành bó, khiến người ngoài vừa hâm mộ lại vừa buồn cười, bị Hoàng hậu tức giận quở mắng một trận, Tuyên Hầu đành phá bỏ rồi dựng lại một căn lều bình thường khác ngay trong đêm.

Hai nhà Vạn Trình theo lệ đặt lều vải ở cạnh nhau, hai bên vui vẻ dùng chung bữa chuyện trò rôm rả, đáng tiếc sáng hôm sau phải tổ chức nghi lễ mê tín nên tối đó không tiện uống rượu ăn thịt, chỉ có thể ăn ít rau củ bánh trái, ngoài ra vớt được ít tôm cá trong con suối dưới chân núi để nấu canh cá. Không biết có phải Thiếu Thương bị ảnh hưởng tâm lý hay không, nàng cảm thấy buổi cúng tế lần này có hình thức át cả nội dung.

Khi trời còn chưa sáng, Vạn Tùng Bách và Trình Thủy đã mặc quan bào chỉnh tề rồi chạy đến ngự trướng, gia quyến còn lại ở tại chỗ cũ, chỉ cần làm lễ quỳ lạy khấn vái và cầu chúc theo tiếng chiêng trống vang là đủ, mãi đến trưa mới xong.

Có lẽ vì thiếu máu, Thiếu Thương chóng mặt phải nằm trong lều nghỉ ngơi, nhưng đến lúc ra ngoài thì đã là “cảnh còn người mất”.

Vạn Thê Thê và Trình Tụng đã đi tham dự hội đua ngựa bắn tên do Ban lão Hầu gia tổ chức ban thưởng, Trình Vịnh tính tìm đồng môn luận văn, ai dè đã bị huynh muội Doãn gia nhanh chân đến cửa kéo đi, Trình Thiếu Cung vốn định ở lại trong lều đọc sách, nào ngờ trải cuộn bói một quẻ theo thói quen, lại cho ra quẻ chính xác ‘trước giờ Thân một khắc không nên ở tại chỗ’, cậu sờ mũi, đành ra ngoài đi lang thang.

Tiêu phu nhân và Vạn phu nhân ngồi đối diện chuyện trò việc nhà, Trình Ương ngoan ngoãn đi theo như thông thường, thấy Thiếu Thương đi ra thì nói với nàng là có Lâu Nghiêu đến tìm, nhưng thấy nàng đang nghỉ nên không làm phiền, sau đó đã bị Trình Nhị ca kéo đi rồi.

Thiếu Thương nghĩ ngợi, quyết định không muốn lãng phí cảnh xuân đẹp đẽ thế này, thế là nàng đội mũ có mạng che, cưỡi chú ngựa đốm yêu quý nhàn nhã đi dạo không mục đích. Dọc đường trông thấy các tiểu nữ nương nói cười, chúng sĩ tử kết bạn, thậm chí suýt làm kinh động đến một cặp uyên ương. Đi qua một lùm cây bụi, nàng còn ngắt mấy cành bện thành vòng hoa đội lên đầu ngựa, mỗi khi nó gục đầu lên xuống trông càng thêm vẻ ngốc nghếch đáng yêu, Thiếu Thương nhìn mà buồn cười không thôi.

Từ nhỏ nàng đã không thích chốn đông người, nên xoay lưng với núi Đồ Cao đi tới những ngọn đồi xung quanh, nào ngờ đi không được bao xa, trông thấy Viên Thận cùng một nhóm thanh niên ăn bận kiểu văn sĩ đang nấu rượu tụng văn ở trong đình bên dòng suối, may mà nàng đội mũ nên không ai nhận ra. Thiếu Thượng lập tức vỗ vào cổ ngựa đổi hướng đi.

Nàng vừa cưỡi vừa nghĩ, vì sao nàng hay bị người ta bắt gặp thế nhỉ, đó là vì nàng thích chạy tới mé nước, nếu không muốn gặp người quen thì có lẽ nàng nên đổi suy nghĩ, đi theo hướng ngược lại, ví dụ như… Thiếu Thương ngẩng đầu, thấy trên ngọn đồi cách không xa có một tòa tháp gỗ kiểu lầu gác nho nhỏ.

Thiếu Thương giật mình, nang đang muốn xem đại trướng của Hoàng đế và khung cảnh danh giá nơi nơi đó khí phái đến mức nào, nhưng tiếc là cha nàng không đủ quan chức, không thể tới gần xem, vậy chi bằng nhìn từ trên cao xuống đi.

Vừa có ý định đó, Thiếu Thương tức khắc thúc ngựa chạy đến, khi cách bảo tháp mấy chục trượng, đồi núi rậm rạp sỏi đá, đường đi cao và hiểm trở. Nàng thương chú ngựa đốm còn nhỏ vó mềm nên buộc ngựa vào lùm cây gần đó, còn mình xách váy đi bộ lên núi.

Ngọn đồi này nhìn từ xa thì nhỏ thật, nhưng lúc trèo lên lại mất rất nhiều sức, Thiếu Thương thở hổn hển mới lên nổi dưới tháp, thấy trên cửa tháp khắc hai chữ Nhạn Quy, nàng vừa đẩy cửa vào vừa la lên ‘có ai ở đây không’. Sau khoảng mười lần gân giọng hét lớn, Thiếu Thương phát hiện trong tháp không bóng người, thế là quay đầu lại đóng cửa tháp, cẩn thận đi vào.

Thiếu Thương vỗ bộ ngực phập phồng dữ dội, vừa hổn hển vừa nhìn bức tượng đá nhỏ quen thuộc được đặt trên đỉnh tháp, không kìm được bật cười – thế này mới phải chứ! Nhưng hiện tại tượng đá này vẫn mang vẻ hung dữ nguyên thủy, đợi mấy năm ngàn năm nữa phát triển biến hóa, sẽ trở thành tượng Phật A–di–đà mặt mũi hiền từ cho mà xem!

Thiếu Thương tính đẩy cửa sổ ra nhìn, nhưng ngẩng đầu lên lại phát hiện nóc nhà tạo nên một giếng trời.

Trước khi làm quân dự bị cho hội chị đại giang hồ thì nàng là một đứa trẻ bướng bỉnh, kỹ năng leo cây trèo tường có thể nằm trong tốp ba toàn thị trấn không đùa. Vậy là nàng lập tức buộc váy, leo dọc theo lan can và trụ bên, cơ thể tuy yếu nhưng đã được rèn luyện có thể nhanh nhẹn trèo lên.

Qua giếng trời bò lên nóc nhà, ánh dương ngày xuân ấm áp ôm trọn toàn thân, Thiếu Thương thoải mái hít sâu một hơi, cảm thấy thật sảng khoái. Đưa mắt trông ra a, thấy dưới núi Đồ Cao là nhóm người cùng ngựa và lều vải nhỏ như bầy kiến con rối, ​​kính vạn hoa muôn màu muôn vẻ dưới ánh nắng rực rỡ.

Cảm giác này thực sự rất hấp dẫn, Thiếu Thương dứt khoát nằm thẳng xuống mái nhà hơi dốc, lấy tay áo che mặt, hưởng thủ khoảnh khắc yên bình hiếm hoi và tắm nắng dịu nhẹ. Nhưng không ngờ vừa nằm xuống nàng đã chìm vào giấc ngủ mê man, tới khi thức dậy thì mặt trời đã ngả về tây.

Thiếu Thương vỗ đầu kêu trời một tiếng. Nàng nhớ Tiêu phu nhân có dặn tối nay Hoàng đế sẽ thiết tiệc đãi quần thần, Hoàng hậu mở tiệc mời gia quyến của quần thần, cần phải về trước giờ Dậu hai khắc. Đến lúc đó người ta đã ngồi vào đông đủ mà thiếu nàng, cho dù là bữa tiệc tập thể đi nữa, nếu bị kẻ có tâm nhìn thấy rồi tố cáo thì rắc rối không nhỏ đâu.

Không có đồng hồ đeo tay, Thiếu Thương cũng không biết đã mấy giờ rồi, nàng nhanh chóng nhấc que chống giếng trời lên, lanh lẹ leo xuống theo đường cũ, trước khi rời khỏi tầng thứ bảy còn lạy bức tượng đá một cái, nào ngờ vừa xuống tới tầng thứ sáu, nàng loáng thoáng nghe thấy trong phòng có tiếng người.

Tòa tháp này có cấu trúc lục giác rất phổ biến, ngoại trừ tầng thứ bảy là một gác xép nhỏ dành riêng để cung phụng tượng đá ra, sáu tầng bên dưới có cùng kích thước và cấu trúc. Tầng phẳng hình lục giác, gần một nửa được sử dụng làm cầu thang, khu vực còn lại được chia thành hai nửa, một nửa là sương phòng, một nửa là đất phẳng dẫn đến lan can lộ thiên.

Thiếu Thương nửa tỉnh nửa mê không rõ có chuyện gì, vịn tay đỡ cầu thang lại gần lắng nghe, nghe thấy bên trong có hai người đang nói chuyện, nhưng không rõ lắm:

“… Lần này thái tử nhanh đấy, chỉ trong vòng hai canh giờ đã tìm người giải thích được lời sấm, thoát được kiếp nạn…”

“… Nếu… thì hay quá… Tính cách như thế sao có thể ngồi lên ghế trữ quân… Vẫn phải phế trữ thôi…!”

Áo lót Thiếu Thương đẫm mồ hôi lạnh, nàng sợ, cảm giác sợ hãi này không giống trong quá khứ, như có mảnh gang nguội lạnh được nhét vào ngực nàng, rơi xuống, hơi lạnh ngập tràn. Không biết nàng đã sững người bao lâu, cố kìm nén dục vọng chạy trốn đang kêu gào ầm ĩ mà rón rén chầm chậm lùi về phía sau, hy vọng có thể quay lại tầng thứ bảy để trốn.

Nào ngờ chỉ vừa tới bệ cửa sổ thì một bàn tay trắng trẻo mạnh mẽ thò xuống, Thiếu Thương suýt đã thét lớn, lập tức giơ hai tay bịt kín miệng, cố không để âm thanh thốt ra – nàng ngẩng đầu nhìn, thì ra là gương mặt tuấn tú quen thuộc!

Lăng Bất Nghi đu nửa người trên xà, khi thấy Thiếu Thương ở bên dưới chàng cũng giật mình, kế đó lập tức mỉm cười. Chàng vốn đã quá tuấn tú, lúc này còn cười như thế, ngay tức khắc sắc xuân trên khắp núi cũng không đẹp bằng vẻ mặt chàng.

Thiếu Thương nhìn đến hoa mắt, quên luôn sợ hãi, ngơ ngác cười đáp lại.

Bấy giờ kẻ ở trong phòng đã nhận thấy động tĩnh bên ngoài, một kẻ trong đó trầm giọng quát: “Ai ở đó!” Nói đoạn, gã tính đẩy cửa ra xem là ai.

Thiếu Thương lại bị dọa sợ hãi, tim nảy lên tận cuống họng. Lăng Bất Nghi nghĩ ngợi, nhanh chóng nhảy xuống, duỗi tay nắm lấy Thiếu Thương rồi bế nàng phi thân nhảy ra khỏi tháp!

Cuối cùng lần này Thiếu Thương cũng hét toáng lên, nhưng vì quá kinh hãi nên không thể thốt thành tiếng, chỉ biết điên cuồng gào thét trong lòng – đây là tầng sáu đó tầng sáu đó, anh tưởng mình đang đóng phim võ hiệp hả, không có dây cáp thì anh đóng phim võ hiệp cái gì?!

Chương trước
Chương sau